BẢO HIỂM Y TẾ SINH VIÊN – TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN LỢI

BẢO HIỂM Y TẾ SINH VIÊN – TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN LỢI

Theo Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), sinh viên (SV) có quyền lợi và trách nhiệm tham gia BHYT bởi đây là một biện pháp hữu hiệu để đảm bảo an toàn sức khỏe cho các em, chính là đảm bảo tương lai của đất nước. Các bên liên quan như cha mẹ học sinh, nhà trường, cơ sở giáo dục, cơ sở y tế và cả cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) – đơn vị thực hiện chính sách đều phải quan tâm, có trách nhiệm phối kết hợp trong thực hiện nhằm phát huy ý nghĩa của chính sách nhân văn này.

  1. Đối tượng:

SV đang theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân trên phạm vi cả nước đều là đối tượng tham gia BHYT bắt buộc (ngoại trừ những em đã tham gia BHYT theo các nhóm đối tượng khác theo quy định của Luật BHYT)

  1. Quyền lợi khi tham gia BHYT:
  • Được cấp thẻ BHYT
  • Được lựa chọn nơi đăng ký khám chữa bệnh (KCB) ban đầu và đổi nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu.
  • Được chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường học từ nguồn kinh phí do quỹ BHYT trích lại.
  • Được quỹ BHYT chi trả chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng theo quy định (KCB nội trú, ngoại trú phục hồi chức năng, sử dụng dịch vụ kỹ thuật, chi phí thuốc, hóa chất, vật tư y tế, máu, dịch truyền…)
  • Trường hợp cấp cứu được hưởng quyền lợi như khi KCB đúng nơi đăng ký ban đầu ghi trên thẻ (có xuất trình đủ thủ tục khi đi KCB)
  • Được cơ quan BHXH giải thích, cung cấp thông tin về BHYT
  • Được khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về BHYT.
  1. Mức hưởng BHYT

* KCB đúng tuyến, đúng thủ tục, được quỹ BHYT thanh toán như sau:

100% chi phí KCB khi:

  • KCB tại tuyến xã hoặc tổng chi phí của một lần KCB thấp hơn 15% mức lương cơ sở ở mọi tuyến điều trị;
  • SV là con của liệt sỹ; người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sống tại các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn;
  • SV đang sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; sống tại xã đảo, huyện đảo;
  • Tham gia BHYT 05 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở ( trừ trường hợp KCB trái tuyến). Người bệnh lưu giữ chứng từ thu phần chi phí cùng chi trả làm căn cứ để cơ quan BHXH cấp giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm.

Hưởng 95% chi phí KCB: đối với SV thuộc hộ cận nghèo;

Hưởng 80% chi phí KCB: đối với SV còn lại.

* KCB vượt tuyến, trái tuyến và xuất trình đủ thủ tục thì được hưởng:

  • 100% chi phí khi KCB tại các cơ sở KCB tuyến huyện
  • 60% chi phí điều trị nội trú tại các cơ sở KCB tuyến tỉnh (từ ngày 01/01/2021 được hưởng 100%)
  • 40% chi phí điều trị nội trú tại cơ sở KCB tuyến trung ương.
  1.     Thanh toán trực tiếp

* KCB không đủ thủ tục KCB BHYT theo quy định

Được quỹ BHYT thanh toán trực tiếp trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT theo quy định.

* KCB tại cơ sở không ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT

Được quỹ BHYT thanh toán theo chi phí thực tế trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT, nhưng tối đa cho 01 đợt điều trị không vượt quá 60.000 đồng điều trị ngoại trú tại tuyến huyện và tương đương; nếu điều trị nội trú, mức thanh toán là 500.000 đồng đối với tuyến huyện và tương đương; 1.200.000 đồng đối với tuyến tỉnh và tương đương; 3.600.000 đồng đối với điều trị tại tuyến Trung ương.

  1.       Mức đóng, hỗ trợ đóng

* Mức đóng = Mức lương cơ sở tại thời điểm đóng tiền x 4,5% x số tháng tham gia.

* Các đối tượng HSSV được Nhà nước hỗ trợ mức đóng:

  • Học sinh mầm non;
  • SV thuộc hộ gia đình nghèo;
  • SV thuộc hộ gia đình cận nghèo mới thoát nghèo (thời gian hỗ trợ 5 năm sau khi thoát nghèo), hộ cận nghèo sống tại các huyện nghèo (theo nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP);
  • Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn hoặc đang sinh sống tại các huyện đảo, xã đảo;
  • SV là thân nhân người có công, người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng theo quy định.

+ Hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng đối với SV thuộc hộ cận nghèo còn lại.

+ Hỗ trợ 30% mức đóng cho SV khác.

  1.      Thủ tục khi KCB BHYT
  • Xuất trình thẻ BHYT có ảnh, trường hợp thẻ BHYT chưa có ảnh thì phải xuất trình một loại giấy tờ chứng minh về nhân thân ( chứng minh thư nhân dân, thẻ SV có dấu giáp lai của nhà trường).
  • Trường hợp cấp cứu được KCB tại bất kỳ cơ sở KCB nào, có hợp đồng KCB BHYT và phải xuất trình các giấy tờ theo quy định trước khi ra viện để được hưởng quyền lợi BHYT,
  • Trường hợp cấp cứu tại cơ sở y tế không ký hợp đồng KCB BHYT thì phải xuất trình đầy đủ các giấy tờ xác nhận tình trạng bệnh lý và các chứng từ hợp lệ về chi phí KCB với cơ quan BHXH để được thanh toán.
  • Trường hợp chuyển tuyến KCB phải xuất trình thẻ BHYT kèm theo giấy chuyển tuyến theo quy định của Bộ Y tế.

                                                                                            Phòng CTCT & QLSV